Apple đang được đồn đoán đã thương thuyết với Meta để tích hợp mô hình GenAI của Meta vào hệ thống AI cá nhân hóa mới được công bố của Apple Intelligence .
Apple có lẽ cũng đang xem xét hợp tác với các công ty khởi nghiệp như Anthropic và Perplexity để tích hợp các công cụ GenAI của họ. Sự kết hợp của những ông lớn trong ngành công nghệ và các công ty khởi nghiệp đột phá, đánh dấu một thời điểm quan trọng trong AI.
Trong nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google và Meta (trước đây là Facebook) bảo vệ quyết liệt những tiến bộ công nghệ của họ, xem đó là những bí mật thương mại cần được giữ kín. Cách nhìn này đã thúc đẩy sự cạnh tranh và sự tiến bộ nhanh chóng nhưng cũng dẫn đến sự phân mảnh và kém hiệu quả trong hệ sinh thái công nghệ rộng lớn hơn.
Khi bước vào thời đại AI, những gã khổng lồ công nghệ này thấy rằng có nhiều lợi ích hơn từ việc hợp tác. Nhưng với sự cạnh tranh gay gắt cùng những quan điểm khác nhau về quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu của người dùng, mối quan hệ hợp tác giả định giữa Apple - Meta rất đáng chú ý.
Liên minh bất ngờ này làm dấy lên câu hỏi: Điều gì đã thay đổi? Câu trả lời nằm ở tốc độ phát triển chóng mặt của AI và nhận thức rằng không một công ty nào có thể đơn độc trong lĩnh vực mới này, bất kể họ lớn hay sáng tạo đến đâu. GenAI tạo sinh nói riêng, đại diện cho sự thay đổi mô hình trong điện toán, về cơ bản là tái hiện lại tương tác của chúng ta với công nghệ. Những ý nghĩa to lớn và vô số ứng dụng của nó đẩy những gã khổng lồ công nghệ vượt ra khỏi vùng an toàn của họ.
Bằng cách tích hợp GenAI của Meta vào Apple Intelligence, Apple cho thấy phần cứng và chuyên môn phần mềm truyền thống không thể đảm bảo vị trí dẫn đầu về AI. Việc Meta cởi mở chia sẻ AI của mình với đối thủ cạnh tranh cho thấy họ coi trọng tính ứng dụng rộng rãi hơn là tính độc quyền.
Đối với người dùng, sự hợp tác này hứa hẹn một kỷ nguyên mới của tương tác kỹ thuật số thông minh. Hãy tưởng tượng một hệ thống AI phản hồi nhu cầu của bạn với độ chính xác chưa từng có và dự đoán được sở thích của bạn. Sự tích hợp này có thể biến đổi sự tương tác của người dùng, biến công nghệ trở thành một phần trực quan hơn nữa của cuộc sống hàng ngày.
Đáng chú ý, với cam kết về quyền riêng tư của Apple, người dùng có thể mong đợi các tính năng AI phức tạp mà không ảnh hưởng đến thông tin cá nhân của họ. Việc đưa các công ty khởi nghiệp AI như Anthropic và Perplexity vào các thỏa thuận này cũng có ý nghĩa không kém.
Nó chứng minh rằng không chỉ những gã khổng lồ công nghệ mới thành công trong lĩnh vực AI, mà những sáng kiến và nghiên cứu của các công ty khởi nghiệp cũng đang giúp lĩnh vực này phát triển nhanh chóng. Những công ty khởi nghiệp này mang đến những góc nhìn mới mẻ và chuyên môn chuyên biệt, rất quan trọng trong việc phát triển các hệ thống AI tiên tiến hơn và có đạo đức hơn.
Cách tiếp cận mở này có thể thúc đẩy sự phát triển và triển khai AI nhanh hơn ở những nơi mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Hãy tưởng tượng Siri hiểu và nói nhiều ngôn ngữ cùng lúc với sức mạnh của phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Apple, dữ liệu tương tác xã hội của hàng tỷ người dùng của Meta, lăng kính an toàn AI của Anthropic và khả năng giải quyết vấn đề không thể đánh bại thông qua Perplexity.
Điều này có thể dẫn đến một trợ lý AI không chỉ mạnh mẽ hơn, tiên tiến hơn, có nhiều khả năng hơn như một hệ thống, mà còn có chiều sâu, có đạo đức, có khả năng suy luận và độ trung thực cao.
Còn những lưu ý về mặt đạo đức và thách thức về mặt quy định thì sao ?
Việc tích hợp các mô hình AI có tính sáng tạo mạnh mẽ vào các nền tảng được sử dụng rộng rãi như của Apple đặt ra các câu hỏi quan trọng về đạo đức và quy định. Các vấn đề như quyền riêng tư, sai lệch thuật toán và khả năng lạm dụng nội dung do AI tạo ra cần được xem xét cẩn thận. Liệu điều này có tiếp tục tập trung quyền lực công nghệ vào số ít công ty hiện có hay mở ra cánh cửa mới cho các công ty khởi nghiệp và những công ty nhỏ hơn khác không? Quan trọng nhất là làm sao để chúng ta tiến hành phát triển và triển khai các hệ thống AI này một cách có trách nhiệm, với các cơ chế được tích hợp sẵn để bảo vệ một cách an toàn khỏi việc sử dụng sai mục đích?
Ngày càng rõ ràng rằng các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách sẽ có vai trò chính trong việc cân nhắc các động cơ đổi mới so với lợi ích công cộng. Có lẽ, thậm chí có thể cần phải tạo ra các cấu trúc chia sẻ dữ liệu mới, các hoạt động quản trị AI và các cách thức để các công ty hợp tác với nhau - những thứ nằm ngoài luật chống độc quyền và bảo vệ dữ liệu hiện nay.
Comments