Thông qua kênh “Cấy Nền Vạn Hoa”, chúng tôi xin gửi tặng bạn đọc hữu duyên bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh với tiêu đề “ChatGPT, AI và giáo dục”
Tôi đã từng nhìn ChatGPT và AI như một kẻ ngoài cuộc, có quan tâm nhưng không nhiều suy tư. Nhưng sau khi chấm xong mấy trăm bài điều kiện của sinh viên thì tôi bắt đầu giật mình, cảm thấy mình không được phép đứng ngoài cuộc nữa.
Khi sử dụng phần mềm quét đạo văn để đánh giá mức độ trùng lặp trong bài viết của sinh viên, tôi phát hiện ra phần mềm đã bổ sung thêm một tính năng mới là nhận diện các văn bản được viết bằng AI. Mặc dù đã ra một đề kiểm tra sao cho sinh viên khó có thể sao chép được ở đâu hoặc có sao chép thì ngay lập tức sẽ bị lộ, nhưng tôi đã không cách nào ngăn cản được một làn sóng sao chép hùng mạnh đang ngày càng bùng nổ ở các giảng đường đại học.
Một số bài kiểm tra được viết bằng máy, một số bài tỉ lệ trùng lặp vượt quá mức quy định, một số bài lách luật bằng cách biến tấu. Lời thanh minh của sinh viên là cô tha cho em một lần, em không sao chép y nguyên mà biến tấu. Tôi đã phải thả một tin nhắn âu yếm trong nhóm các lớp: “Làm ơn cho tôi thấy bạn là con người. Làm ơn cho tôi biết tôi đang chấm điểm cho một bộ não biết suy nghĩ chứ không phải đang đánh giá một con robot.”
Trong sự kiện gần đây nhất, Bố Già AI - Geoffrey Hinton đột ngột rời khỏi Google và cảnh báo về viễn cảnh nhân loại sẽ bị chìm trong những hình ảnh và văn bản giả mạo tới mức không ai còn có thể phân biệt được đâu là sự thật.
Bố Già AI - Geoffrey Hinton đột ngột rời khỏi Google và cảnh báo về viễn cảnh nhân loại sẽ bị chìm trong những hình ảnh và văn bản giả mạo tới mức không ai còn có thể phân biệt được đâu là sự thật
Vào năm 2017 trong một buổi phỏng vấn robot Sophia - cô robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Khi được hỏi liệu robot có nhận thức được mình là robot không? Sofia đã hỏi ngược lại làm thế nào anh biết anh là một con người.
Robot Sophia - cô robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới
2 sự kiện này đã gợi lên rất nhiều suy tư và đặc biệt lo âu cho những người làm giáo dục khi robot ngày càng trở nên người hơn thì dường như con người lại đang có xu hướng robot hóa.
Ở giảng đường đại học, tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên đọc giáo trình như một cái máy, hoàn toàn không có suy nghĩ. Khi được gọi lên phát biểu hoặc thuyết trình thì nhắc lại y nguyên những gì mình đã đọc. Khi hỏi điều ấy có nghĩa là gì? Em hiểu thế nào về khái niệm, tư tưởng này thì chịu chết không trả lời được. Não của các em đã chỉ làm một việc duy nhất là quét, dò và sao chép thông tin, mà thiếu khả năng phân tích, đánh giá, vận dụng, liên hệ, phê phán, sáng tạo… Khi viết bài luận các em sao chép qua quýt ở một tài liệu tầm thường nào đó trên mạng, không chỉ định nguồn gốc hoặc cố gắng biến tấu để lách luật. Nhưng bài viết của các em chung chung, vô cảm, sử dụng một thứ ngôn từ sáo rỗng, không có một chút biểu hiện nào cho thấy một sự trăn trở, suy nghĩ thực sự về vấn đề, không có một chút ý kiến nào trong đó là riêng biệt. Khi thuyết trình các em trình bày rất tự tin, làm slide rất đẹp, nhưng phần lớn nội dung là sản phẩm của sự cóp nhặt, lắp ghép. Tôi còn đau lòng khi nhìn thấy các em thôi không còn đọc văn học để cảm nhận niềm vui của việc đọc và phát triển những cảm xúc riêng của mình, mà ăn sẵn những bình luận của người khác, nhưng ăn mà lại không biết tiêu hóa. Các em đang làm những thứ mà một con robot hoàn toàn có thể làm, thậm chí làm tốt hơn rất nhiều.
Ở trường phổ thông, tôi nhìn thấy những giáo viên gần như vô cảm, vì áp lực thành tích phủ lên sau họ và môi trường đầy những định kiến mài mòn họ. Họ không đủ thời gian và tâm trí để quan tâm và thấu cảm tới những học sinh yếu đuối, thua thiệt, tới những nỗ lực nhỏ bé trong những đứa trẻ để vượt qua chính nó, không để ý và không thể ghi nhận những thành tựu li ti mà con ốc sên chậm chạp, nỗ lực bền bỉ đạt được mỗi ngày.
Họ dạy những bài học giống nhau từ ngày này sang ngày khác, ra những bài tập giống nhau với tất cả học sinh và đo lường học sinh bằng một thước đo duy nhất là điểm số, đối xử như nhau với những học sinh khác nhau, rất cứng nhắc và vô cảm. Nhưng không thể vô cảm vì bản thân họ cũng khó có thể làm khác dù có tỉnh giác và nỗ lực.
Họ đã là một cách cần mẫn những việc mà lẽ ra có thể ủy thác cho một con robot và dành thời gian quý giá của mình chú ý tới phần con người trong cá nhân mình, cũng như vun trồng phần người trong mỗi đứa trẻ.
Tôi cũng nhìn thấy học sinh ngày càng bị biến thành robot, thờ ơ với mọi người, mọi việc xung quanh, cắm mắt vào màn hình, trơ lì vì cảm xúc, học như một cái máy, sống như một cái máy, sao chép văn như một cái máy, không có niềm vui trong việc học, không có động lực hoặc chỉ có động lực duy nhất là đạt được điểm cao như một cái máy được lập trình.
Tất cả chúng ta nếu không tỉnh thức, sẽ biến thành những cỗ máy học, cỗ máy dạy, cỗ máy quản lý rất chính xác, rất chăm chỉ, rất nhanh chóng, nhưng hoàn toàn vô cảm. Trong bối cảnh này thì câu hỏi của cô robot Sophia: làm thế nào anh biết anh là một con người. Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất với những người làm giáo dục, giới tính, chủng tộc đã là một trong những yếu tố quyết định căn tính, bản sắc của một cá nhân. Nhưng giờ đây, có một yếu tố quan trọng khác góp phần làm nên căn tính, anh là người hay là máy. Tôi đồ rằng không lâu nữa trong tờ căn cước công dân sẽ có thêm một mục xác minh căn tính, anh thuộc chủng loại nào, là người hay là máy? Đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa thế nào là một con người, cái gì khiến chúng ta khác với một cái máy, và giáo dục thế hệ tương lai có lẽ sẽ cần tập trung hơn bao giờ hết phần “người” mà máy móc không thể nào thay thế.
Máy móc còn lâu lắm mới có được những suy nghĩ viển vông, bay bổng. Vì suy nghĩ viển vông, bay bổng là kết quả của một sự đứt gãy của một khoảng hẫng, của một tổ hợp ngẫu nhiên ngoài quy luật, phi logic, phi lý tính mà có lẽ một cỗ máy được lập trình dựa trên chuỗi logic khó có thể đạt được. Thế nên khi máy móc có thể làm hết những việc đòi hỏi kỷ luật, quy trình, sự chính xác thì nhân loại sẽ cần đến những kẻ mộng mơ, những kẻ thích phá vỡ những logic của thực tại, tạo nên một cái gì đó mới, dù chỉ là một giấc mơ không tưởng.
Máy móc có lẽ còn lâu lắm mới có được cảm xúc và cảm giác, vì có lẽ nó không có một cơ thể sinh học. Nó không biết đau. Đau có lẽ là cảm giác “người” nhất mà chúng ta có. Chúng ta đau khi cơ thể bị tổn thương, đau khi cảm xúc bị trấn áp, đau khi nhìn sự hữu hạn của sinh mệnh,
đau khi nhìn thấy nỗi đau của những sinh vật khác. Từ một cơ thể biết đau mà ta có lòng đồng cảm, thấu cảm. Ta biết rằng người khác có thể đau. Ta hiểu được cảm giác của người khác khi đau. Bởi vậy ta không nỡ làm cho đau người khác. Ta phát triển được lòng từ bi, những phẩm chất cao đẹp của con người. Một người không từng trải qua nỗi đau, thực ra điều này là bất khả thi hoặc không cảm thấy nỗi đau tức là vô cảm, không ngẫm nghĩ về những suy tư của nỗi đau của mình để nhận ra một điều gì đó thì khó có thể phát triển những phẩm chất quan trọng của con người, như lòng trắc ẩn, từ bi, thấu cảm, yêu thương. Và vì thế trong giáo dục hãy để trẻ có cơ hội trải nghiệm nỗi đau, nếm trải cảm giác đau, học được bài học từ nỗi đau của mình, quan sát, ghi nhận nỗi đau của người khác, thấu hiểu và biết cách xoa dịu nỗi đau ấy thay vì bọc trẻ trong nhung lụa và hoa hồng. Rộng ra, ngoài dạy trẻ về nỗi đau cần dạy trẻ về cách cảm nhận và lắng nghe cơ thể. Một cơ thể người kỳ diệu biết phản ứng tinh vi với mọi kích thích từ môi trường xung quanh. Một cơ thể người có cảm giác, cảm xúc, một cơ thể biết suy nghĩ và cảm thấu chứ không phải là một cỗ máy vô cảm. Từ biết cơ thể, trẻ dần khám phá ra mình có một con người tinh thần bên trong, một nội tâm và rộng hơn nữa là một tâm thức. Tâm thức này giúp cho chúng ta tiếp nhận phản ứng, học hỏi từ những bài học mới từ bên ngoài thông qua các trải nghiệm. Tâm thức này được phát triển lên dần theo năm tháng, khiến cho ta ngày càng chín chắn hơn, trưởng thành hơn, sâu sắc hơn, trong việc kết nối với người khác. Và dù không thể thay đổi thế giới xung quanh, ta vẫn có thể thay đổi tâm thức của mình để sống một cuộc đời hạnh phúc. Khi ta ý thức rằng bên trong da thịt này là một thế giới rộng lớn và tinh tế của cảm giác, cảm xúc, nội tâm, tâm thức, ta hiểu và tôn trọng không gian bên trong của người khác, có nghĩa là tôn trọng cảm xúc, cảm giác, nội tâm và tâm thức của người khác. Nhờ đó những kết nối giữa người với người trở nên sâu sắc hơn ở tất cả mọi tầng bậc. Ta thấu cảm được cảm xúc và cảm giác của người khác. Ta tôn trọng thế giới nội tâm của họ. Ta vun vén cho sự trưởng thành trong tâm thức của người khác.
Tôi nghĩ đó là một viễn cảnh mà toàn bộ nhân loại phải hướng đến. Nếu chỉ cung cấp kiến thức và huấn luyện kỹ năng cho trẻ, một người thầy máy hay một người mẹ máy có thể làm rất tốt. Nhưng để giúp trẻ biết rung động trước vẻ đẹp của một bông hoa đang nở, biết xót thương biết hy vọng và biết ước mơ, biết thấu cảm, biết sống một đời sống có ý nghĩa, những thứ quan trọng ấy thì chỉ người thầy, người mẹ mới có thể làm được. Và đã đến lúc ta dừng lại tự vấn mình là người thầy máy hay người mẹ máy?
Comments